LUẬT THI ĐẤU KARATE WKF 2020

Cỡ chữ
Bản in

LUẬT THI ĐẤU KARATE WKF

HIỆU LỰC TỪ 1.1.2020

Dịch bởi: Ban biên tập CLB Karate

Trung tâm HĐ TTN tỉnh Vĩnh Phúc

— Vĩnh Phúc, tháng 3 năm 2020 —

MỤC LỤC

LUẬT THI ĐẤU KUMITE.5

ĐIỀU 1: THẢM THI ĐẤU KUMITE.5

ĐIỀU 2: TRANG PHỤC CHÍNH THỨC.6

ĐIỀU 3: TỔ CHỨC THI ĐẤU KUMITE.9

ĐIỀU 4: TỔ TRỌNG TÀI.11

ĐIỀU 5: THỜI GIAN CỦA TRẬN ĐẤU.12

ĐIỀU 6: GHI ĐIỂM.12

ĐIỀU 7: TIÊU CHUẨN ĐỂ QUYẾT ĐỊNH.16

ĐIỀU 8: CÁC HÀNH VI BỊ CẤM.18

ĐIỀU 9: CÁC NHẮC NHỞ VÀ HÌNH PHẠT.21

ĐIỀU 10: CHẤN THƯƠNG VÀ TAI NẠN TRONG THI ĐẤU.23

ĐIỀU 11: KHIẾU NẠI.24

ĐIỀU 12: QUYỀN HẠN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC ĐẠI DIỆN.27

ĐIỀU 13: BẮT ĐẦU, TẠM NGỪNG VÀ KẾT THÚC TRẬN ĐẤU.32

LUẬT THI ĐẤU KATA.34

ĐIỀU 1: THẢM THI ĐẤU KATA.34

ĐIỀU 2: TRANG PHỤC CHÍNH THỨC.34

ĐIỀU 3: TỔ CHỨC THI ĐẤU KATA.37

ĐIỀU 4: TỔ TRỌNG TÀI.40

ĐIỀU 5: TIÊU CHUẨN ĐỂ QUYẾT ĐỊNH.41

ĐIỀU 6: DIỄN BIẾN TRẬN ĐẤU.49

ĐIỀU 7: KHIẾU NẠI .50

PHỤ LỤC 1: THUẬT NGỮ CHUYÊN MÔN….52

PHỤ LỤC 2: HIỆU LỆNH VÀ CỜ LỆNH..56

KHẨU LỆNH VÀ HIỆU LỆNH CỦA TTC.56

CỜ LỆNH CỦA TRỌNG TÀI PHỤ.67

PHỤ LỤC 3: HƯỚNG DẪN ĐIỀU HÀNH CHO TRỌNG TÀI CHÍNH VÀ PHỤ.70

PHỤ LỤC 4: CÁCH GHI ĐIỂM CỦA TRỌNG TÀI GHI ĐIỂM.73

PHỤ LỤC 5: SƠ ĐỒ THẢM THI ĐẤU KUMITE.75

PHỤ LỤC 6: SƠ ĐỒ THẢM THI ĐẤU KATA.76

PHỤ LỤC 7: VÕ PHỤC.77

PHỤ LỤC 8: GIẢI VÔ ĐỊCH THẾ GIỚI: ĐIỀU KIỆN VÀ NỘI DUNG.78

PHỤ LỤC 9: CHỈ DẪN VỀ MÀU QUẦN CỦA TRỌNG TÀI CHÍNH VÀ TRỌNG TÀI

PHỤ.80

PHỤ LỤC 10: GIẢI VÔ ĐỊCH KARATE CHO LỨA TUỔI DƯỚI 14.81

PHỤ LỤC 11: XEM LẠI VIDEO (VIDEO REVIEW).84

PHỤ LỤC 12: MẪU ĐƠN KHIẾU NẠI CHÍNH THỨC.90

PHỤ LỤC 13: THỦ TỤC CÂN ĐO..91

PHỤ LỤC 14: THỂ THỨC ĐẤU VÒNG TRÒN (KUMITE)..93

PHỤ LỤC 15: TỔ CHỨC THI ĐẤU KATA OLYMPIC..96

PHỤ LỤC 16: THI ĐẤU KATA PREMIER LEAGUE.110

LUẬT THI ĐẤU KUMITE

ĐIỀU 1: THẢM THI ĐẤU KUMITE

1.1. Thảm đấu hình vuông, loại đã được WKF phê duyệt, chiều dài mỗi cạnh là 8m (đo từ mép ngoài của vạch) và cộng thêm 1m về các phía, đó là khu vực an toàn. Như vậy sẽ có một khu vực an toàn rõ ràng là hai (2) mét mỗi bên. Nơi có khu vực thi đấu sàn nâng cao, khu vực an toàn phải thêm 1m mỗi cạnh.

1.2. Hai tấm thảm sẽ được lật ngược với mặt đỏ bật lên và có khoảng cách một (1) mét từ trung tâm thảm để tạo thành một ranh giới giữa các vận động viên (VĐV). Khi bắt đầu hoặc tiếp tục trận đấu, 2 VĐV sẽ đứng sát vách của thảm quy định vị trí và đối diện nhau.

1.3. Trọng tài chính sẽ đứng giữa hai vị trí thảm VĐV, đối mặt với VĐV ở khoảng cách hai (2) mét tính từ khu vực an toàn.

1.4. Các trọng tài phụ (TTP) ngồi ở các góc và trong khu vực an toàn. TTC có thể di chuyển xung quanh thảm thi đấu, bao gồm cả khu vực an toàn mà các TTP ngồi. Mỗi TTP được trang bị 1 cờ đỏ và 1 cờ xanh.

1.5. Trọng tài giám sát (Kansa) ngồi ở 1 bàn nhỏ ngay bên ngoài khu vực an toàn, ở phía sau bên trái hoặc bên phải của TTC. Trọng tài này sẽ được trang bị 1 cờ đỏ hoặc biển hiệu và còi.

1.6. Trọng tài giám sát điểm ngồi ở bàn tính điểm chính thức (bàn thư ký) và ở giữa Trọng tài ghi điểm và Trọng tài bấm giờ.

1.7. Huấn luyện viên (HLV) sẽ ngồi ngoài khu vực an toàn, ở phía tương ứng của họ tại mép của thảm đấu và đối diện với bàn thư ký. Trong trường hợp khu vực thi đấu sàn nâng cao, các huấn luyện viên sẽ ngồi bên ngoài sàn nâng cao.

1.8. Đường viền 1m bao bọc quanh thảm phải là màu khác so với phần còn lại của thảm.

*Ghi chú: Xem thêm PHỤ LỤC 5: SƠ ĐỒ THẢM THI ĐẤU KUMITE

Giải thích:

I. Tuyệt đối không được có tấm ngăn, biển, cột quảng cáo…, trong vòng 1m bên ngoài khu vực an toàn của thảm đấu.

II. Thảm sử dụng ở mặt tiếp xúc với sàn đấu không được trơn nhưng ở mặt trên của thảm phải có độ ma sát thấp. TTC phải chắc chắn rằng các phần ghép của thảm không bị xê dịch trong quá trình thi đấu, vì các khe hở có thể gây chấn thương và cản trở VĐV. Mẫu thiết kế phải được Liên đoàn Karate thế giới (WKF) công nhận.

ĐIỀU 2: TRANG PHỤC CHÍNH THỨC

2.1. Các VĐV và HLV phải mặc trang phục chính thức theo quy định dưới đây.

2.2. Hội đồng trọng tài (HĐTT) có thể tước quyền bất cứ thành viên hoặc VĐV nào không tuân thủ theo quy định.

2.2.1 Đối với trọng tài:

2.2.1.1. TTC và TTP phải mặc đồng phục chính thức do HĐTT quy định. Đồng phục này được mặc trong suốt cả giải, các buổi họp giao bang và các buổi tập huấn.

2.2.1.2. Đồng phục chính thức được quy định như sau:

– Áo vest một hàng khuy màu xanh đậm (Mã màu 19-4023 TPX).

– Áo sơ mi trắng cộc tay.

– Cà vạt không được gắn kẹp cài.

– Còi màu đen.

– Dùng dây treo còi màu trắng.

– Quần âu màu ghi sáng không gấp nếp ở gấu. (Phụ lục 9)

– Tất màu xanh đậm hay màu đen đi với giày “lười” màu đen dùng trên thảm đấu.

– Khăn trùm đầu vì lý do tôn giáo phải là loại được WKF chấp nhận.

– TTC và TTP có thể đeo nhẫn kết hôn.

– TTC hoặc TTP là nữ có thể đeo cặp tóc hoặc bông tai.

2.2.1.3. Đối với Thế vận hội, Thế vận hội Trẻ, giải Lục địa và các giải đấu đa môn thể thao khác, khi đồng phục của trọng tài phụ thuộc vào điều kiện cam kết ( LOC) với đơn vị tổ chức, thì đồng phục chính thức cho tổ Trọng tài có thể được thay thế bằng đồng phục chung nhưng văn bản yêu cầu phải được gửi đến WKF bởi người tổ chức sự kiện và được sự chấp thuận của WKF.

2.2.2. Đối với VĐV:

2.2.2.1. Các VĐV phải mặc võ phục màu trắng không có kẻ sọc, đường viền hoặc hình thêu cá nhân ngoại trừ các trường hợp đặc biệt được sự chấp nhận của ban chấp hành WKF (WKF EC), chỉ có biểu tượng hoặc cờ quốc gia của VĐV nằm ở ngực trái của áo và kích thước tổng thể không vượt quá 12cm x 8cm (xem Phụ lục 7). Chỉ có các nhãn mác của nhà sản xuất mới được có trên áo. Ngoài ra, số hiệu nhận biết do Ban tổ chức cung cấp phải được đeo ở mặt sau của áo. Một VĐV thắt đai đỏ thì VĐV còn lại phải thắt đai xanh. Đai đỏ và đai xanh phải có bề ngang rộng 5cm và có độ dài mỗi bên đai là 15cm tính từ đầu đến nút thắt đai nhưng không được dài quá 3/4 chiều dài đùi. Đai phải là một màu đỏ hoặc xanh đồng nhất, không có hình thêu cá nhân, quảng cáo hay dấu hiệu khác với nhãn hiệu thông thường của nhà sản xuất.

2.2.2.2. Bất kể phần 2.2.2.1 nêu trên, Ban chấp hành vẫn có thể cho phép đeo mác hoặc nhãn hiệu của nhà tài trợ.

2.2.2.3. Áo của VĐV khi thắt chặt đai quanh thắt lưng phải có độ dài tối thiểu đủ để che được phần hông nhưng không được dài quá 3/4 đùi. Đối với VĐV nữ có thể được mặc áo phông trắng bên trong áo thi đấu. Dây buộc áo phải được thắt. Áo không có dây buộc không được phép sử dụng.

2.2.2.4. Chiều dài tối đa của ống tay áo không được dài quá cổ tay và không được ngắn hơn nửa cẳng tay. Tay áo không được xắn lên. Dây buộc giữ trang phục phải được thắt trước khi trận đấu diễn ra. Tuy nhiên nếu dây buộc tụt ra trong trận đấu thì VĐV không cần phải thay đổi võ phục.

2.2.2.5. Quần thi đấu phải đủ dài để che được ít nhất 2/3 cẳng chân và không được chùm mắt cá chân. Ống quần không được xắn lên.

2.2.2.6. Các VĐV phải để tóc gọn gàng, cắt ngắn để không vướng khi thi đấu. Hachimaki (băng quấn đầu) không được phép sử dụng. Nếu như TTC nhận thấy VĐV nào tóc quá dài hay không sạch sẽ, TTC có quyền truất quyền thi đấu của VĐV đó. Cấm đeo trâm cài tóc và kẹp tóc bằng kim loại. Cấm sử dụng ruy băng, chuỗi hạt và các vật trang trí khác. Một hay hai dải băng chun buộc tóc kiểu đuôi ngựa đơn được cho phép.

2.2.2.7. VĐV nữ có thể dùng khăn trùm đầu vì lý do tôn giáo và phải là loại được WKF chấp nhận: Khăn trùm đầu bằng vải đen và không bao cổ họng.

2.2.2.8. Các VĐV phải cắt ngắn móng tay và không đeo đồ kim loại hay các vật khác mà có thể gây thương tích cho đối phương. Việc sử dụng niềng răng bằng kim loại phải được sự đồng ý của TTC và bác sĩ của giải đấu. VĐV phải chịu hoàn toàn bất kỳ chấn thương nào xảy ra đối với bản thân.

2.2.2.9. Những trang bị bảo vệ sau đây là bắt buộc.

2.2.2.9.1. WKF công nhận găng tiêu chuẩn dùng cho thi đấu, một VĐV đeo găng đỏ và VĐV kia đeo găng xanh.

2.2.2.9.2. Bảo vệ răng.

2.2.2.9.3. WKF chấp nhận mặc giáp (cho tất cả các VĐV) và bảo vệ ngực đối với VĐV nữ.

2.2.2.9.4. Bảo vệ cẳng chân theo tiêu chuẩn WKF, một VĐV đeo màu đỏ và VĐV kia đeo màu xanh.

2.2.2.9.5. Bảo vệ bàn chân theo tiêu chuẩn WKF, một VĐV đeo màu đỏ và VĐV kia đeo màu xanh.

Bảo vệ hạ bộ không bắt buộc. Nếu dùng phải là loại được duyệt bởi WKF.

2.2.2.10. Không sử dụng kính đeo mắt. Có thể đeo kính áp tròng nhưng VĐV phải tự chịu trách nhiệm về sự rủi ro cho bản thân.

2.2.2.11. Cấm sử dụng đồ trang sức, quần áo hay trang bị không được phép.

2.2.2.12. Tất cả các trang bị bảo vệ phải được WKF công nhận.

2.2.2.13. Nhiệm vụ của trọng tài giám sát là phải đảm bảo rằng trước mỗi vòng đấu hay trận đấu các VĐV phải mặc đúng trang bị được phê duyệt. (Trong trường hợp tại giải vô địch châu lục, quốc tế hay quốc gia, các trang bị được phê duyệt bởi WKF phải được chấp nhận không thể từ chối).

2.2.2.14. Việc sử dụng băng gạc, miếng bịt hay các vật trợ giúp do chấn thương phải được sự đồng ý của TTC dựa vào ý kiến bác sĩ của giải.

2.2.3 Đối với huấn luyện viên:

Trong suốt thời gian diễn ra giải đấu, HLV sẽ mặc quần áo thể thao của liên đoàn quốc gia họ và đeo thẻ HLV. Ngoại trừ tại các trận đấu tranh huy chương của giải đấu chính của WKF, HLV nam cần phải mặc một bộ đồ đen, áo sơ mi và cà vạt – trong khi HLV nữ có thể chọn mặc áo đầm, đồ tây hay áo khoác và váy màu tối. HLV có thể dùng khăn trùm đầu vì lý do tôn giáo và phải là loại được WKF chấp nhận giống như TTC và TTP.

Giải thích:

I. Các VĐV chỉ được đeo 1 đai, đai đỏ là AKA và đai xanh là AO. Đai chỉ trình độ của VĐV không được phép đeo trong khi thi đấu.

II. Bảo vệ răng phải khít hàm.

III. Nếu VĐV vào thảm thi đấu mà ăn mặc không hợp lệ, VĐV này không bị truất quyền ngay, thay vào đó sẽ được cho một phút để sửa sang lại trang phục.

IV. Nếu HĐTT đồng ý, các trọng tài có thể được phép cởi áo vest.

ĐIỀU 3: TỔ CHỨC THI ĐẤU KUMITE

3.1. Một giải thi đấu karate có thể bao gồm thi đấu Kumite và / hoặc thi đấu Kata. Thi đấu Kumite có thể chia thành thi đấu đồng đội (match) và thi đấu cá nhân (bout). Thi đấu cá nhân có thể chia ra theo các độ tuổi và hạng cân. Các hạng cân được chia ra theo các trận đấu. Thuật ngữ “trận đấu (đơn) – bout” còn là chỉ thi đấu Kumite cá nhân giữa từng cặp đối kháng từ các thành viên của đội.

3.2. Đối với Giải vô địch WKF và châu lục, bốn người đạt huy chương (vàng, bạc và hai đồng) của sự kiện trước sẽ được chọn làm “hạt giống”. Đối với giải Karate 1-Premier League, là tám VĐV được xếp hạng đầu trong bảng xếp hạng WKF (WKF World Ranking) trước khi cuộc thi được tổ chức. “Tiêu chuẩn hạt giống” sẽ không hạ xuống thấp hơn kể cả trong trường hợp không có VĐV đủ điều kiện để làm hạt giống.

3.3. Hệ thống đấu loại với hình thức đấu vớt (repechage) sẽ được áp dụng nếu không phải là giải đấu đặc biệt. Khi hệ thống đấu vòng tròn (round-robin) được sử dụng, nó sẽ tuân theo cấu trúc được mô tả trong PHỤ LỤC 14: THỂ THỨC ĐẤU VÒNG TRÒN (KUMITE).

3.4. Thủ tục cân đo được quy định trong PHỤ LỤC 13: THỦ TỤC CÂN ĐO

3.5. Trong thi đấu cá nhân không được phép thay VĐV khác sau khi đã nộp danh sách.

3.6. VĐV tham gia nội dung cá nhân hay đồng đội mà không có mặt khi được gọi thì sẽ bị truất quyền thi đấu (KIKEN) ở nội dung đó. Trong thi đấu đồng đội tỷ số cho lượt đấu không diễn ra sẽ được tính 8-0 nghiêng về đội khác. Truất quyền thi đấu bởi KIKEN có nghĩa là các VĐV sẽ bị loại ở nội dung đó, mặc dù nó không ảnh hưởng đến sự tham gia ở nội dung khác.

3.7. Đồng đội nam gồm 7 VĐV với 5 người thi đấu chính trong 1 vòng đấu. Đồng đội nữ gồm 4 VĐV với 3 người thi đấu chính thức trong 1 vòng đấu.

3.8. Các VĐV là thành viên của một đội. Không cố định các thành viên đã đăng ký.

3.9. Trước mỗi trận đấu, đại diện của mỗi đội phải nộp lên bàn thư ký danh sách VĐV chính thức, ghi rõ họ tên và thứ tự thi đấu của các thành viên trong đội. Các VĐV được lựa chọn từ đội 7 người, hay 4 người và thứ tự thi đấu của họ có thể thay đổi ở mỗi vòng đấu, thứ tự phải được đăng ký trước, khi đã đăng ký thì không được thay đổi cho đến khi vòng đấu kết thúc. Một đội sẽ bị truất quyền thi đấu (SHIKKAKU) nếu như bất kỳ thành viên nào hoặc HLV của đội thay đổi thành phần đội hoặc thứ tự thi đấu mà không được đăng ký bằng văn bản trước khi vòng đấu diễn ra. Trong thi đấu đồng đội, một VĐV bị thua khi nhận hình phạt Hansoku hoặc Shikkaku, bất kỳ điểm nào của VĐV bị truất quyền sẽ được tính bằng 0 và tỷ số cho trận đấu này sẽ được tính 8-0 nghiêng về đội kia.

Giải thích:

I. Một “vòng đấu” (round) là từng giai đoạn riêng biệt của giải nhằm để cuối cùng xác định ai được vào chung kết. Trong vòng đấu loại đầu tiên sẽ loại ra 50% VĐV tính cả những VĐV được ưu tiên. Điều này có nghĩa vòng đấu được xem như tương đương với 1 giai đoạn đấu loại hay là đấu vớt (repechage). Thi đấu vòng tròn (round robin) có nghĩa là trong 1 bảng tất cả các VĐV sẽ phải đấu 1 trận với các VĐV còn lại.

II. Lưu ý rằng “Một trận đấu đơn (bout)” đề cập đến một trận đấu cá nhân giữa hai (2) VĐV. Trong khi đó “Một trận đấu đội (match)” là tổng số tất cả các trận đấu của các thành viên của hai đội.

III. Việc sử dụng tên gọi của VĐV có thể gây khó khăn trong việc phát âm và nhận dạng. Do đó các số đeo của giải sẽ được phát và sử dụng.

IV. Khi xếp hàng trước trận đấu, mỗi đội sẽ cử ra các VĐV chính thức cho vòng đấu đó. Những VĐV dự bị và HLV không được tính và sẽ ngồi ở khu vực dành riêng cho họ.

V. Để tham dự thi đấu, các đội nam phải có mặt ít nhất 3 VĐV và các đội nữ ít nhất có 2 VĐV tham gia. Đội nào có ít hơn số lượng VĐV theo quy định sẽ bị tước quyền thi đấu (Kiken).

VI. Khi công bố truất quyền thi đấu bởi KIKEN trọng tài chính sẽ báo hiệu bằng cách chỉ ngón tay về phía của VĐV hoặc đội vắng mặt, hô ” Aka / Ao Kiken “, sau đó hô “Aka/Ao no Kachi” và ra tín hiệu Kachi (thắng) cho đối thủ.

VII. Bản đăng ký thứ tự thi đấu do HLV hoặc một (1) VĐV trong đội được chỉ định nộp. Nếu HLV nộp thì phải có chức danh rõ ràng, nếu không có thể bị từ chối. Bản đăng ký phải bao gồm tên quốc gia hay câu lạc bộ, màu đai được phát cho đội trong trận đấu đó và thứ tự thi đấu của các thành viên trong đội. Phải bao gồm cả tên và số đeo của các VĐV cùng chữ ký do HLV hay người được chỉ định.

VIII. Các HLV phải xuất trình giấy chứng nhận cùng với các VĐV hoặc đội của mình tới bàn thư ký. HLV phải ngồi ở ghế được cung cấp và không được can thiệp vào hoạt động của trận đấu bằng lời nói hay hành động.

IX. Nếu có sai sót trong khi lập bản đăng ký, một VĐV không đúng lượt lên thi đấu thì không cần biết kết quả trận đấu thế nào, trận đấu này sẽ bị coi là không hợp lệ và bị huỷ bỏ. Để tránh những sai sót như vậy, VĐV thắng của mỗi trận đấu (đơn hoặc đội) phải đến bàn điều hành ký xác nhận chiến thắng trước khi rời thảm đấu.

ĐIỀU 4: TỔ TRỌNG TÀI

4.1. Tổ trọng tài bao gồm 1 trọng tài chính (Shushin), 4 trọng tài phụ (Fukushin) và 1 trọng tài giám sát (Kansa).

4.2. Trọng tài chính, trọng tài phụ và trọng tài giám sát (Kansa) trong trận đấu Kumite không được có cùng quốc tịch hoặc cùng liên đoàn với VĐV đấu trong trận đó.

4.3. Phân công và triển khai tổ trọng tài

– Tại vòng loại thư ký hội đồng trọng tài sẽ tạo điều kiện cho kỹ thuật viên hệ thống phần mềm vào danh sách các trọng tài chính, trọng tài phụ làm nhiệm vụ tại thảm. Danh sách này được làm bởi thư ký HĐTT khi có sơ đồ thi đấu của các Đối thủ và biên bản hội ý trọng tài. Danh sách này chỉ có các trọng tài trong cuộc họp đó và phải tuân thủ các tiêu chuẩn nêu trên. Khi có danh sách trọng tài tham gia, kỹ thuật viên nhập hệ thống danh sách đó; 4 trọng tài phụ, 1 trọng tài chính và 1 giám sát được giao nhiệm vụ thảm sẽ được hệ thống phần mềm lựa chọn một cách ngẫu nhiên.

– Tại các trận tranh huy chương, Quản lý sàn sẽ cung cấp cho chủ tịch hội đồng trọng tài và thư ký danh sách 8 trọng tài chính thức từ sàn của họ sau khi các trận đấu vòng loại kết thúc. Khi danh sách trọng tài được chủ tịch HĐTT phê duyệt, sẽ giao cho kỹ thuật viên phần mềm để nhập vào hệ thống. Hệ thống đó sẽ phân bổ ngẫu nhiên chỉ có 5 trọng tài trong số đó bắt trận đấu.

4.4. Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho điều hành trận đấu (bouts/matches), 2 quản lý sàn, 1 phụ sàn hỗ trợ Quản lý, 1 người giám sát điểm và 1 người ghi điểm sẽ được bổ nhiệm. Một ngoại lệ là ở các sự kiện Olympic, chỉ có một quản lý sàn.

Giải thích:

I. Khi bắt đầu trận đấu Kumite, TTC đứng ngoài mép của thảm đấu. Đứng bên trái TTC là TTP số 1 và 2, bên phải là TTP số 3 và 4.

II. Sau nghi thức cúi chào nhau của các VĐV và tổ trọng tài, TTC lùi một bước, các TTC và TTP quay vào trong và cúi chào nhau sau đó tất cả về vị trí của mình.

III. Khi thay đổi tổ trọng tài, tổ trọng tài cũ ngoại trừ trọng tài giám sát (TTGS), trở về vị trí như ban đầu của trận đấu (đơn/đội), cúi chào nhau, rồi cùng rời khỏi khu vực thi đấu.

IV. Khi thay đổi một TTP, TTP mới bước đến chỗ trọng tài cũ, cùng cúi chào và đổi vị trí.

V. Trong các trận thi đấu đồng đội các trọng tài cần thiết phải có trình độ tương đương, vị trí của TTC và TTP có thể xoay vòng giữa các lượt đấu (đơn).

ĐIỀU 5: THỜI GIAN CỦA TRẬN ĐẤU

5.1. Thời gian của trận đấu Kumite được quy định là 3 phút đối với nội dung kumite nam và nữ cấp cao (senior) (cả đồng đội và cá nhân). Ở nội dung “dưới 21 tuổi” là 3 phút đối với cả nam và nữ. Ở nội dung “lứa tuổi thiếu niên” (Cadet) và “trẻ” (Junior) là 2 phút cho cả hai giới.

5.2. Thời gian của trận đấu bắt đầu khi TTC ra hiệu bắt đầu, và dừng lại giữa chừng khi TTC hô “YAME”.

5.3. Trọng tài bấm giờ sẽ ra hiệu bằng tiếng chuông hoặc loa điện, để báo còn “15 giây nữa” hay “hết giờ”. Tín hiệu “hết giờ” sẽ báo kết thúc trận đấu.

5.4. Thời gian VĐV được nghỉ ngơi giữa các trận đấu bằng thời gian tiêu chuẩn của một trận đấu. Ngoại trừ trường hợp phải thay đổi màu trang thiết bị (đai, găng, giáp,…) thì thời gian được kéo dài đến 5 phút.

ĐIỀU 6: GHI ĐIỂM

6.1. Điểm ghi được sẽ bao gồm như sau:

a. IPPON: 3 điểm

b. WAZA-ARI: 2 điểm

c. YUKO: 1 điểm

6.2. Điểm được tính khi một kỹ thuật được thực hiện theo những tiêu chuẩn sau vào vùng ăn điểm:

a. Đòn thế đẹp

b. Tinh thần thể thao

c. Mạnh (có lực)

d. Ý thức phòng thủ (Zanshin)

e. Đúng thời điểm

f. Cự ly chuẩn

6.3. IPPON được dành cho những kỹ thuật sau:

a. Các đòn đá Jodan

b. Bất kỳ kỹ thuật ghi điểm nào được thực hiện khi đối thủ bị quật hoặc ngã.

6.4. WAZA-ARI được dành cho những kỹ thuật sau: Các đòn đá Chudan

6.5. YUKO được dành cho những kỹ thuật sau:

a. Chudan hoặc Jodan Tsuki

b. Chudan hoặc Jodan Uchi

6.6. Các đòn tấn công được giới hạn trong các vùng sau:

a. Đầu

b. Mặt

c. Cổ

d. Bụng

e. Ngực

f. Lưng

g. Lườn

6.7. Một kỹ thuật ăn điểm được thực hiện vào đúng lúc có hiệu lệnh kết thúc trận đấu thì được coi là có giá trị. Một kỹ thuật cho dù có hiệu quả mà được thực hiện sau khi có lệnh tạm dừng hoặc chấm dứt trận đấu sẽ không được tính điểm và người thực hiện có thể còn bị phạt.

6.8. Không một kỹ thuật nào cho dù có chuẩn về mặt kỹ thuật sẽ được tính điểm nếu như cả 2 đấu thủ ở ngoài thảm đấu. Tuy nhiên, nếu như một trong hai VĐV ra đòn chính xác mà vẫn còn ở trong thảm đấu và trước khi TTC hô “Yame” thì đòn đó sẽ được tính điểm.

Giải thích:

Để được tính điểm, một kỹ thuật thực hiện phải nằm trong vùng ghi điểm như mục 6.6 ở trên. Đòn thực hiện phải được kiểm soát và đáp ứng 6 tiêu chuẩn tính điểm như mục 6.2 ở trên.

Thuật ngữ Tiêu chuẩn kỹ thuật
  
Ippon(3 điểm)được tính cho:1. Các đòn đá Jodan chỉ đòn đá vào mặt, đầu và cổ.2. Bất kỳ đòn ghi điểm nào khi đối thủ bị quật ngã, bị ngã xuống sàn hay bị trượt chân
  
Waza-Ari(2 điểm)được tính cho:Các đòn đá Chudan chỉ đòn đá vào bụng, ngực, lưng và lườn.
  
Yuko(1 điểm)được tính cho:1. Đòn đấm (Tsuki) vào 1 trong 7 vùng được tính điểm ngoại trừ vùng phía sau đầu và cổ.2. Đòn tấn công (Uchi) vào 1 trong 7 vùng được tính điểm.

I. Vì lý do an toàn, các đòn quật mà đối thủ bị giữ dưới thắt lưng, quật không được giữ lại (không khống chế) hay đòn quật nguy hiểm, hay trọng tâm người bị quật cao hơn hông người quật đều bị cấm hoặc bị phạt. Ngoại trừ kỹ thuật quét chân trong Karate hợp lệ không đòi hỏi đối thủ phải kiềm chế trong khi thực hiện như ashi- barai, Ko uchi gari, kani waza… Sau mỗi đòn quật được thực hiện, VĐV thực hiện ngay một kỹ thuật ăn điểm.

II. Khi một VĐV bị quật đúng luật, trượt, ngã hay vì lý do nào đó mà phần thân của cơ thể chạm vào thảm và cùng lúc đó đối thủ thực hiện đòn ghi điểm thì điểm sẽ được tính IPPON (3 điểm).

III. Một kỹ thuật được coi là “”Đòn đẹp””nghĩa là thể hiện hiệu quả đặc biệt được chấp nhận theo quan niệm truyền thống của Karate.

IV. Phong cách thể thao là một yếu tố của đòn thế đẹp và chỉ thái độ không ác ý với sự tập trung cao độ khi ra đòn ăn điểm.

V. “”Đòn mạnh”” nghĩa là đòn có lực và có tốc độ thể hiện ý chí muốn chiến thắng.

VI. Ý thức phòng thủ (ZANSHIN) là một tiêu chuẩn thường bị bỏ qua khi điểm được ghi. Đó là lúc mà VĐV vẫn duy trì được trạng thái tập trung, quan sát và luôn ý thức sẵn sàng trước đòn phản công của đối phương. Ví dụ, VĐV không được quay mặt đi trong khi ra đòn và ngay cả sau khi ra đòn vẫn phải hướng mặt về phía đối phương.

VII. “”Đúng thời điểm”” nghĩa là một kỹ thuật tung ra đúng lúc để đạt hiệu quả cao nhất.

VIII. “”Cự ly chuẩn”” cũng có nghĩa tương tự như kỹ thuật tung ra ở khoảng cách chính xác để đạt hiệu quả cao nhất. Vì vậy, nếu tung một đòn kỹ thuật vào đối thủ đang có di chuyển nhanh thì hiệu quả của đòn đó sẽ giảm xuống.

IX. Khoảng cách cũng liên quan đến mục tiêu của đòn đánh hoàn chỉnh hay đòn chạm hoặc gần chạm. Một đòn đấm hoặc đá “chạm da” và vị trí nào đó ở mặt, đầu hoặc cổ còn cách 5cm thì được gọi là khoảng cách chuẩn. Tuy nhiên, các đòn kỹ thuật Jodan tới mục tiêu trong khoảng cách 5cm mà làm đối thủ không thể đỡ hoặc tránh được thì được coi là ghi điểm, miễn là có kỹ thuật và đáp ứng được các tiêu chuẩn khác. Đối với lứa tuổi thiếu niên và lứa tuổi trẻ “không chạm” vào đầu, mặt hoặc cổ được ưu tiên hơn là được phép chạm rất nhẹ (phân biệt với thuật ngữ “chạm da” đã đề cập ở trước) cho các đòn đá Jodan và khoảng cách tính điểm lên đến 10cm.

X. Một đòn đánh không có giá trị thì vẫn là không có giá trị cho dù nó được thực hiện

 đâu và như thế nào. Một đòn kỹ thuật được thực hiện không đúng tư thế hay thiếu lực sẽ không được tính điểm.

XI. Những đòn đánh dưới đai có thể tính điểm nếu chúng ở trên phần xương mu. Cổ là vùng ăn điểm và yết hầu cũng vậy. Tuy nhiên, không được phép chạm vào yết hầu, điểm có thể được tính cho đòn có khống chế và không chạm.

XII. Một đòn đánh vào vùng xương bả vai có thể được ăn điểm. Vùng không được tính điểm của vai chính là chỗ nối của xương cánh tay, xương bả vai và xương đòn.

XIII. Tiếng chuông báo hết giờ sẽ chấm dứt mọi khả năng ghi điểm trong trận đấu đó, thậm chí TTC do sơ xuất không dừng ngay trận đấu. Tuy nhiên, tiếng chuông báo hết giờ không có nghĩa việc phạt sẽ không được áp dụng. Tổ trọng tài có quyền tiến hành áp dụng phạt cho tới khi VĐV rời thảm đấu sau khi trận đấu kết thúc, còn sau thời gian đó thì phải do Hội đồng kỷ luật quyết định.

XIV. Nếu hai VĐV cùng đánh chạm nhau vào cùng một thời điểm thì tiêu chí “”Đúng thời điểm”” theo định nghĩa không được áp dụng, và phán quyết chính xác là không tính điểm. Cả hai VĐV đều có thể nhận điểm của mình nếu mỗi người có hai “Cờ” ủng hộ cho họ, và các điểm số đều xảy ra trước khi “”Yame” “- và các tín hiệu thời gian.

XV. Nếu một VĐV ghi điểm với nhiều kỹ thuật liên tiếp trước khi trận đấu kết thúc, VĐV sẽ chỉ được tính điểm cho kỹ thuật nào có hệ số điểm cao hơn, bất kể thứ tự các kỹ thuật ghi điểm. Ví dụ: Nếu một đoàn đá theo sau một đòn đấm thành công thì điểm sẽ chỉ được tính cho đòn đá mặc dù đòn đấm ghi điểm trước do đòn đá có hệ số điểm cao hơn.

ĐIỀU 7: TIÊU CHUẨN ĐỂ QUYẾT ĐỊNH

7.1. Kết quả của trận đấu được quyết định khi một VĐV dẫn cách biệt 8 điểm; hoặc hết giờ, khi một VĐV có số điểm cao hơn; ưu thế về việc ghi điểm đầu tiên một cách dễ dàng (SENSHU) hay là theo quyết định (HANTEI); hoặc một VĐV do phải nhận HANSOKU, SHIKKAKU, hay KIKEN.

7.2. Thường không có kết quả hòa đối với trận thi đấu cá nhân. Chỉ ở thi đấu đồng đội hoặc trong thi đấu vòng tròn khi trận đấu kết thúc với số điểm bằng nhau hoặc không có điểm, và cũng không có VĐV nào đạt SENSHU, TTC sẽ thông báo tỉ số hòa (HIKIWAKE).

7.3. Trong bất kỳ trận đấu nào khi trận đấu kết thúc với số điểm bằng nhau nhưng có 1 VĐV đạt “ưu thế việc ghi điểm đầu tiên một cách dễ dàng” (SENSHU), VĐV đó sẽ được quyết định là người thắng cuộc. Ở bất kỳ trận đấu cá nhân nào, nếu ở đó kết thúc mà không có điểm nào được ghi hoặc với số điểm bằng nhau và không có VĐV nào đạt “ưu thế việc ghi điểm đầu tiên một cách dễ dàng” thì TTC và 4 TTP sẽ ra biểu quyết cuối cùng. Quyết định này sẽ chỉ ra một VĐV thắng cuộc và VĐV còn lại buộc phải tuân theo, và được thực hiện dựa trên cơ sở sau:

a) Thái độ, tinh thần thi đấu và thể lực của VĐV.

b) Ưu thế về chiến thuật và kỹ thuật.

c) VĐV nào làm chủ trận đấu.

7.4. Một VĐV đang có lợi thế SENSHU mà bị nhận nhắc nhở loại 2 (C2) cho hành vi trốn tránh trận đấu ứng với các trường hợp sau: Jogai, chạy trốn, các đòn ôm ghì, tóm, vật, đẩy ngực khi thời gian trận đấu còn ít hơn 15 giây, VĐV sẽ tự động mất quyền lợi thế SENSHU. TTC trước tiên sẽ ra tín hiệu cho lỗi bị vi phạm và tìm sự ủng hộ từ các TTP. Khi TTC nhận được tối thiểu 2 ý kiến ủng hộ, TTC sẽ ra tín hiệu cho loại lỗi C2 bị vi phạm sau đó là tín hiệu SENSHU và cuối cùng là tín hiệu hủy bỏ (TORIMASEN). Cùng lúc đó TTC sẽ hô AKA/AO SENSHU TORIMASEN.

Nếu SENSHU bị thu hồi trong vòng 15 giây cuối cùng của trận đấu sẽ không có SENSHU nào nữa được trao cho các VĐV.

Trong trường hợp SENSHU đã được trao cho một VĐV nhưng một phản đối bằng video thành công xác định rằng đối thủ kia cũng ghi điểm, và điểm số trên thực tế không bị bỏ qua, thủ tục tương tự cũng được sử dụng để hủy bỏ SENSHU.

Đội thắng cuộc là đội có nhiều trận thắng nhất bao gồm những trận thắng bằng SENSHU. Có thể cả hai đội có số trận thắng bằng nhau thì đội có nhiều điểm hơn tính cho cả trận thắng và trận thua là đội chiến thắng. Trận đấu sẽ kết thúc tại thời điểm khi có sự cách biệt điểm số là 8 hoặc hơn.

7.5. Nếu cả hai đội có số trận thắng và số điểm bằng nhau thì một trận đấu quyết định sẽ được tiến hành. Mỗi đội có thể đề cử bất kỳ một VĐV nào trong đội của mình cho trận đấu quyết định, bất kể người đó đã từng tham chiến trong một trận đấu trước đó giữa hai đội. Trường hợp trận đấu thêm vẫn không xác định được đội chiến thắng dựa trên ưu thế điểm và không có bất cứ VĐV nào đạt SENSHU thì kết quả trận đấu sẽ được quyết định bằng biểu quyết HANTEI của TTC và 4 TTP giống như trận đấu cá nhân. Kết quả của HANTEI cho trận đấu thêm sẽ quyết định kết quả của trận đấu đồng đội.

7.6. Trong các trận thi đấu đồng đội, khi một đội có những trận thắng thuyết phục hay có điểm thắng thuyết phục thì đội đó sẽ được công nhận là đội chiến thắng và trận đấu sẽ kết thúc và không có thêm trận đấu nào diễn ra nữa.

7.7. Trong trường hợp cả AKA và AO đều bị loại trong cùng trận đấu bởi Hansoku, thì đối thủ dự kiến cho vòng tiếp theo sẽ giành chiến thắng mà không cần phải thi đấu (và không có kết quả nào được công bố), Ngoại trừ trong một trận đấu tranh huy chương, người chiến thắng sẽ được quyết định bởi HANTEI, nếu không có VĐV nào đạt SENSHU.

Giải thích:

I. Khi quyết định kết quả trận đấu bằng việc biểu quyết (HANTEI) vào cuối trận đấu không phân thắng bại, TTC sẽ rời khu vực thảm đấu hô “HANTEI”, rồi thổi hai hồi còi, các TTP sẽ bày tỏ quan điểm của mình bằng cờ hiệu và cùng lúc đó TTC đưa ra ý kiến bằng tín hiệu tay. TTC thổi một tiếng còi ngắn, trở về vị trí ban đầu rồi công bố quyết định và sẽ chỉ ra người thắng cuộc như bình thường.

II. “Ưu thế về việc ghi điểm đầu tiên một cách dễ dàng” (SENSHU) phải được hiểu khi một VĐV ghi điểm đầu tiên lên đối thủ mà đối thủ không ghi điểm lại trước khi có tín hiệu. Trong trường hợp cả 2 VĐV cùng ghi điểm trước tín hiệu sẽ không có “Ưu thế về việc ghi điểm đầu tiên một cách dễ dàng” được tính và cả 2 VĐV có thể đạt SENSHU vào lần sau trong trận đấu.

ĐIỀU 8: CÁC HÀNH VI BỊ CẤM

Các hành vi bị cấm được chia thành 2 loại: loại 1 và loại 2.

– Loại 1: (C1)

1. Các đòn đánh quá mạnh vào vùng ghi điểm và đòn đánh vào yết hầu.

2. Các đòn đánh vào tay hoặc chân, hạ bộ, khớp hoặc mu bàn chân.

3. Các đòn tấn công vào mặt bằng kỹ thuật mở bàn tay.

4. Các đòn quăng quật nguy hiểm hoặc bị cấm.

– Loại 2: (C2)

1. Giả vờ hoặc cường điệu hóa chấn thương.

2. Ra ngoài thảm đấu (JOGAI) không phải gây ra bởi đối thủ.

3. Tự gây nguy hiểm cho mình trong khi đuổi theo ra đòn để chính mình bị chấn thương, không để ý để bảo vệ hữu hiệu (MUBOBI).

4. Pha đánh nhằm ngăn cản cơ hội ghi điểm của đối phương.

5. Thụ động – không cố gắng tham chiến (không thể được đưa ra khi thời gian trận đấu còn ít hơn 15 giây)

6. Các đòn ôm ghì, vật, đẩy ngực mà không thực hiện kỹ thuật ghi điểm hoặc quật xuống sau đó.

7. Tóm đối thủ bằng 2 tay vì bất kỳ lý do nào khác ngoài việc quật khi bắt được đòn đá của đối thủ.

8. Tóm lấy tay hoặc áo của đối thủ bằng 1 tay mà không lập tức thực hiện kỹ thuật ghi điểm hoặc quật xuống sau đó.

9. Các kỹ thuật, xét về bản chất không thể khống chế được để đảm bảo sự an toàn cho đối phương, những đòn tấn công gây nguy hiểm và không khống chế được.

10. Các đòn tấn công bằng đầu, đầu gối hoặc cùi chỏ.

11. Nói hoặc chọc tức đối phương, không nghe theo lệnh của TTC, có những hành vi bất lịch sự, khiếm nhã đối với các quan chức trọng tài hoặc những vi phạm thuộc về võ phép.

Giải thích:

I. Thi đấu karate là một hình thức thi đấu thể thao, do đó có một vài kỹ thuật nguy hiểm phải được loại bỏ và tất cả các kỹ thuật nhất thiết phải khống chế. Các VĐV được tập luyện có thể chịu đựng được các đòn đánh khá mạnh vào những vùng có cơ bụng, còn thực tế những vùng như đầu, mặt, cổ, háng, khớp là những vùng rất dễ bị chấn thương. Vì vậy, bất cứ kỹ thuật nào thực hiện mà gây chấn thương cho đối phương đều bị phạt trừ khi lỗi do người bị chấn thương gây ra. Các VĐV phải thể hiện được các kỹ thuật có khống chế và đẹp. Nếu không thể, nghĩa là những kỹ thuật sai thì họ sẽ bị nhắc nhở hoặc bị phạt. Cần đặc biệt chú ý đối với lứa tuổi thiếu niên và lứa tuổi trẻ.

II. Đánh chạm mặt – đối với lứa tuổi thanh niên (

Đối với các VĐV ở lứa tuổi thanh niên, đòn đánh không gây chấn thương, đánh nhẹ, đánh “chạm” có khống chế vào mặt, đầu và cổ thì được cho phép (nhưng không phải vào yết hầu). Nếu đòn đánh chạm mà TTC cho là quá mạnh, nhưng không đến mức làm mất khả năng chiến đấu của VĐV thì có thể bị nhắc nhở (CHUKOKU). Lần thứ 2 giống trường hợp như trên sẽ nhận KEIKOKU. Thêm lần vi phạm nữa sẽ bị nhận HANSOKU CHUI. Bất kỳ va chạm nào khác nữa, mặc dù không ảnh hưởng đến cơ hội giành chiến thắng của đối phương sẽ bị hình phạt HANSOKU

III. Đánh chạm mặt – đối với lứa tuổi thiếu niên (Cadet: 14-15 tuổi) và trẻ (Junior: 16-17 tuổi):

Đối với các VĐV ở lứa tuổi này, không được phép chạm khi thực hiện các kỹ thuật tay. Bất cứ va chạm nào vào đầu, mặt, cổ được cho không kể nhẹ đến mức độ nào đều sẽ bị phạt, giống như mục 2 ở trên, trừ khi lỗi do người bị chấn thương gây ra (MUBOBI). Các đòn đá Jodan cho phép “chạm nhẹ nhất” (“chạm da”) và có thể được tính điểm. Bất cứ va chạm nào hơn mức “chạm da” cũng sẽ bị nhắc nhở hoặc phạt trừ khi lỗi do người bị chấn thương gây ra.

Đối với VĐV dưới 14 tuổi; xem thêm PHỤ LỤC 10 để biết thêm các hạn chế.

IV. TTC phải liên tục quan sát VĐV bị chấn thương cho tới khi trận đấu được tiếp tục. Chỉ một chút chậm trễ trong việc xét đoán thôi cũng đủ để chấn thương nhẹ như chảy máu mũi trở nên nặng hơn. Sự quan sát này sẽ phát hiện ra trường hợp VĐV cố tình làm cho chấn thương nặng hơn để đạt lợi thế chiến thuật. Ví dụ như đánh vào mũi đã bị chấn thương hoặc chà mạnh vào mặt.

V. Những chấn thương từ trước có thể để lại những hậu quả nặng hơn nhiều so với các va chạm vừa xảy ra, vì vậy TTC phải cân nhắc kỹ trước khi đưa ra các hình phạt thích đáng đối với những đòn đánh chạm tưởng như là mạnh. Ví dụ: chỉ mới bị đòn chạm nhẹ đã dẫn đến việc VĐV không thể thi đấu được do ảnh hưởng của chấn thương đã có ở trận đấu trước. Trước khi bắt đầu trận đấu đội hay trận đấu cá nhân, quản lý sàn phải kiểm tra phiếu sức khỏe và phải khẳng định rằng VĐV đủ sức khỏe để thi đấu. Còn TTC cũng phải được thông báo nếu như một VĐV mới vừa được chữa trị chấn thương.

VI. VĐV giả vờ bị chấn thương trước đòn nhẹ để cố tình làm cho TTC phạt đối phương như việc lấy tay ôm mặt, đi loạng choạng hoặc ngã không cần thiết thì ngay lập tức VĐV đó sẽ bị nhắc nhở hoặc bị phạt.

VII. Hình phạt chính xác cho việc giả vờ chấn thương khi Hội đồng trọng tài xác định rằng kỹ thuật trên thực tế đã đủ tiêu chuẩn ghi điểm tối thiểu là HANSOKU CHUI và trong trường hợp nghiêm trọng hơn có thể là HANSOKU hoặc SHIKKAKU. Việc giả vờ bị chấn thương mà nó không có thực là một vi phạm luật nghiêm trọng. Hình phạt SHIKKAKU sẽ được đưa ra đối với VĐV giả vờ chấn thương khi có hành động ngã quỵ xuống và lăn lộn trên sàn mà không được chứng thực theo báo cáo của bác sĩ giải.

VIII. Việc cường điệu hóa một chấn thương có thực thì ít nghiêm trọng hơn nhưng vẫn là hành vi không thể chấp nhận được và vì vậy đối với hành vi cường điệu hóa chấn thương ngay lần đầu tiên sẽ nhận hình phạt tối thiểu là HANSOKU CHUI. Sự cường điệu nghiêm trọng hơn như đi loạng choạng, ngã xuống sàn, đứng lên và ngã xuống một lần nữa và vân vân có thể nhận được HANSOKU trực tiếp tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vi phạm.

IX. Các VĐV nhận hình phạt SHIKKAKU do giả vờ chấn thương sẽ được đưa ra khỏi thảm đấu và chuyển đến người có thẩm quyền của Ủy ban Y tế WKF giải quyết ngay bằng cách tiến hành kiểm tra VĐV. Ủy ban Y tế sẽ nộp báo cáo trước khi kết thúc giải vô địch để hội đồng trọng tài xem xét liệu có tăng thêm mức độ xử phạt trước khi trình báo cáo của họ cho ban chấp hành (EC). Các VĐV giả vờ chấn thương sẽ phải chịu hình phạt nặng nhất kể cả đình chỉ thi đấu vĩnh viễn.

X. Yết hầu là vùng rất dễ bị tổn thương nên dù bị đánh chạm nhẹ nhất cũng sẽ bị nhắc nhở hoặc phạt trừ khi do lỗi của chính VĐV bị chấn thương gây ra.

XI. Các kỹ thuật quật được chia làm hai loại. Các đòn quét chân thông lệ của Karate như de ashi barai, ko uchi gari.. làm cho đối phương mất thăng bằng hoặc bị quật mà không bị tóm trước – và loại nữa là những đòn quật mà có kèm theo đối phương bị tóm hoặc giữ bằng một tay trong khi quật. Một trường hợp nữa là khi thực hiện đòn quật bằng cả hai tay khi bắt chân đá của đối thủ. Trọng tâm của đòn quật phải không được cao hơn hông và đối phương phải được giữ an toàn trong khi bị quật. Các đòn quật từ vai trở lên như Seio nage, kata garuma… tuyệt đối bị cấm, cũng như các đòn “”hy sinh” như Tomoe nage, Sumi Gaeshi…. Nếu đối phương bị chấn thương do đòn quật, tổ

trọng tài sẽ đưa ra quyết định có nhắc nhở hoặc phạt hay không.

Các VĐV có thể nắm lấy cánh tay của đối thủ hoặc võ phục với một tay để thực hiện một kỹ thuật quật hoặc trực tiếp ghi điểm – nhưng có thể không giữ cho các kỹ thuật liên tục. Giữ bằng một tay phải ngay lập tức thực hiện kỹ thuật ghi điểm hoặc quật xuống hoặc để thoát khỏi việc ngã. Giữ cả hai tay chỉ được phép khi tóm chân đá của đối phương để thực hiện việc quật xuống.

XII. Các đòn đánh mở tay vào mặt bị cấm vì sẽ rất nguy hiểm đến mắt của VĐV.

XIII. JOGAI là tình huống khi chân của VĐV hoặc bất cứ phần nào của cơ thể chạm ra ngoài sàn đấu, ngoại trừ khi VĐV bị đối phương dùng sức đẩy hoặc bị quật ra ngoài sàn đấu. Lưu ý rằng cảnh báo (hay nhắc nhở) sẽ gia tăng mức độ tính từ lần đầu phạm lỗi JOGAI. JOGAI không phải là “ra ngoài lặp đi lặp lại” mà là “ra ngoài không phải do đối phương gây ra”. Tuy nhiên khi thời gian trận đấu còn ít hơn mười lăm giây, TTC sẽ trực tiếp áp dụng HANSOKU CHUI cho người vi phạm.

XIV. Một VĐV ra đòn kỹ thuật ăn điểm và rời sàn đấu trước khi TTC hô “Yame” sẽ được tính điểm và lỗi Jogai sẽ không được tính. Nếu VĐV ghi điểm không thành công thì việc rời sàn đấu sẽ được tính là Jogai.

XV. Nếu AO ra thảm ngay sau khi AKA tấn công ăn điểm thì trọng tài phải hô YAME ngay lập tức để cho điểm và việc AO ra thảm sẽ không được tính. Nếu AO ra thảm hoặc đang bước ra thảm đúng lúc AKA ghi điểm (AKA vẫn còn ở trong thảm) thì sẽ tính điểm cho AKA và AO vẫn bị phạt Jogai.

XVI. Điều quan trọng phải hiểu rằng “”Né tránh trận đấu”” là đề cập đến tình huống một VĐV cố gắng ngăn chặn đối thủ có cơ hội ghi điểm bằng cách sử dụng hành vi câu giờ. VĐV lùi liên tục mà không có đòn phản công hiệu quả, giữ người, ôm, hoặc ra ngoài sàn đấu hơn là để đối phương nắm cơ hội ghi điểm thì anh ta sẽ bị nhắc nhở hoặc bị phạt. Điều này thường xảy ra trong những giây cuối cùng của trận đấu. Nếu vi phạm này xảy ra khi thời gian còn lại của trận đấu còn từ 15 giây trở lên và người đó chưa phạm lỗi loại 2 trước đó thì TTC sẽ áp dụng CHUKOKU cho người vi phạm. Nếu như trước đó đã có 1 lần phạm lỗi Loại 2 thì KEIKOKU sẽ được áp dụng. Tuy nhiên, nếu vi phạm xảy ra khi thời gian còn lại của trận đấu nhỏ hơn 15 giây thì TTC sẽ trực tiếp đưa ra HANSOKU CHUI (mặc cho người đó không có hoặc đã nhận KEIKOKU loại 2 trước đó). Nếu đã có HANSOKU CHUI loại 2 trước đó, TTC sẽ phạt người vi phạm bằng HANSOKU và công bố chiến thắng cho đối thủ. Tuy nhiên TTC phải chắc rằng hành vi của VĐV không phải là để tự vệ do đối phương tấn công một cách thô bạo và nguy hiểm. Trong trường hợp này chính người tấn công sẽ bị nhắc nhở hoặc bị phạt.

XVII. Sự thụ động đề cập đến các tình huống mà cả hai thí sinh không cố gắng thực hiện kỹ thuật trong một khoảng thời gian dài.

XVIII. Một ví dụ về MUBOBI là khi VĐV lao vào tấn công liên tục mà không chú ý đến sự an toàn của cá nhân. Một số VĐV thường tự mình lao theo những đòn tấn công với dài và không thể đỡ được đòn phản công của đối phương. Những đòn tấn công hở như vậy chính là lỗi MUBOBI và không thể ghi điểm được. Động tác mang tính đóng kịch như một số VĐV thường quay lưng lại đối phương sau khi thực hiện kỹ thuật với hàm ý nhạo báng và để chứng tỏ rằng mình vừa ghi điểm. Lúc này họ quên phòng thủ và không hề để ý gì đến đối phương. Mục đích của họ là nhằm thu hút sự chú ý của TTC đối với cú ra đòn đó. Đây rõ ràng là lỗi MUBOBI. Người vi phạm có thể sẽ phải chịu một đòn đánh mạnh hoặc chịu một chấn thương, và lỗi chính là do anh ta gây nên, TTC sẽ dùng hình phạt Loại 2 để nhắc nhở hay phạt anh ta, mà có thể không đưa ra một hình phạt dành cho VĐV kia.

XIX. Bất cứ hành vi thô lỗ, thiếu lịch sự của 1 VĐV trong đoàn có thể dẫn đến việc truất quyền thi đấu của VĐV đó, hoặc của toàn đội, thậm chí của cả đoàn ra khỏi giải.

ĐIỀU 9: CÁC NHẮC NHỞ VÀ HÌNH PHẠT

CHUKOKU: Được áp dụng cho những vi phạm nhỏ lần đầu của loại lỗi được áp dụng.

KEIKOKU: được áp dụng cho những vi phạm nhỏ mà đã bị nhắc nhở trước đó của loại lỗi được áp dụng hoặc những vi phạm chưa đến mức HANSOKU-CHUI.

HANSOKU CHUI: thường được áp dụng cho những lỗi mà đã nhận KEIKOKU trước đó của trận đấu. Nhắc nhở này có thể được áp dụng ngay cho những vi phạm nghiêm trọng nhưng chưa đến mức phạt HANSOKU.

HANSOKU: đây là hình phạt được áp dụng cho các lỗi vi phạm cực kỳ nghiêm trọng hoặc là đã nhận HANSOKU CHUI trước đó. Hình phạt này sẽ truất quyền thi đấu của VĐV. Trong các trận thi đấu đồng đội, VĐV bị phạm lỗi sẽ được nhận 8 điểm và VĐV vi phạm sẽ nhận 0 điểm.

SHIKKAKU: đây là việc truất quyền VĐV ra khỏi toàn bộ giải đấu bao gồm tất cả nội dung tiếp theo mà người vi phạm đã đăng ký. SHIKKAKU có thể được áp dụng khi VĐV không tuân theo hiệu lệnh của TTC, có hành động sát thủ, hoặc những vi phạm mà nó làm hại đến uy tín và danh dự của Karate, hoặc khi những hành động khác bị coi là vi phạm (làm trái) luật và tinh thần của giải. Trong các trận thi đấu đồng đội, VĐV bị phạm lỗi sẽ được nhận 8 điểm và VĐV vi phạm sẽ nhận 0 điểm.

Trong trường hợp thời gian trận đấu lớn hơn 15 giây. Để trận đấu diễn ra một cách liên tục, các trọng tài có thể dùng các cử chỉ không chính thức để thúc giục các VĐV thi đấu (giống như thủ tục yêu cầu các VĐV bước vào thảm hoặc bước về phía trước thảm) kết hợp với khẩu lệnh “TSUZUKETE” và yêu cầu chấm dứt hành động ôm ghì lấy nhau (giống như thủ tục yêu cầu VĐV lùi lại trên thảm) kết hợp với khẩu lệnh “WARARETE”. Cả hai trường hợp này có thể không cần dừng trận đấu.

Điều này không thay thế cho các nhắc nhở đối với các hành vi vi phạm rõ ràng hoặc trong trường hợp các VĐV không tuân theo lệnh ngay lập tức.

Giải thích:

I. Có 3 mức độ nhắc nhở: CHUKOKU, KEIKOKU và HANSOKU CHUI. Nhắc nhở chính là để VĐV nhận ra rằng mình đã vi phạm luật thi đấu, nhưng chưa đến mức phải nhận hình phạt.

II. Có 2 mức độ hình phạt: HANSOKU và SHIKKAKU. Cả hai đều khiến cho người vi phạm luật bị truất quyền thi đấu ra i) khỏi trận đấu (HANSOKU) – Hoặc ii) khỏi trận đấu và toàn bộ giải đấu (SHIKKAKU). Trong trường hợp hình phạt SHIKKAKU, ngoài hội đồng trọng tài ra nó còn có thể được đưa ra bởi hội đồng kỷ luật dựa trên kết quả khiếu nại.

III. Các nhắc nhở cho lỗi loại 1 (C1) và loại 2 (C2) không được tính gộp lại.

IV. Nhắc nhở có thể được áp dụng trực tiếp cho lỗi phạm luật. Nhưng một khi vi phạm nhiều lần cùng lỗi đó thì mức độ phải tăng lên hoặc truất quyền thi đấu là hợp lý. Ví dụ: không thể nhắc nhở cho lỗi đánh mạnh rồi lại chỉ nhắc nhở cho lần thứ 2 vẫn tiếp tục đánh mạnh.

V. Nhắc nhở CHUKOKU thường được đưa ra khi lần đầu vi phạm về luật nhưng khả năng giành chiến thắng của VĐV không giảm do lỗi của đối phương.

VI. KEIKOKU thường được áp dụng khi khả năng giành chiến thắng của VĐV bị giảm nhẹ (theo ý kiến của tổ trọng tài) do lỗi của đối phương.

VII. HANSOKU CHUI có thể được áp dụng trực tiếp ngay hoặc tiếp theo sau lần nhắc nhở KEIKOKU và nó được áp dụng khi khả năng giành chiến thắng của VĐV bị giảm nghiêm trọng (theo ý kiến của tổ trọng tài) do lỗi của đối phương.

VIII. HANSOKU được áp dụng cho tất cả các lần nhắc nhở trước đó gộp lại và có thể được áp dụng ngay cho các vi phạm luật nghiêm trọng. Nó được áp dụng khi khả năng giành chiến thắng của VĐV bị giảm đến mức hầu như không còn (theo ý kiến của tổ trọng tài) do lỗi của đối phương.

IX. Bất cứ VĐV nào nhận hình phạt HANSOKU vì gây ra chấn thương và theo ý kiến của tổ trọng tài và quản lý sàn là hành động ác ý, nguy hiểm, hoặc bị coi là không đáp ứng được các đòi hỏi khống chế đòn cần thiết theo Luật thi đấu của WKF sẽ được báo cáo lên HĐTT. HĐTT sẽ quyết định VĐV này có bị đình chỉ thi đấu trong giải này và/hoặc là các giải tiếp theo.

X. SHIKKAKU có thể được trực tiếp đưa ra mà không có cảnh báo nào trước đó. Nếu TTC khẳng định rằng một VĐV hành động một cách ác ý (sát thủ) thì không cần xét đến anh ta có gây nên chấn thương cho đối phương hay không về thể chất thì hình phạt chính xác là SHIKKAKU chứ không phải là HANSOKU.

XI. Khi TTC cho rằng HLV đang can thiệp vào tiến trình của trận đấu, TTC sẽ dừng trận đấu lại (YAME), tiếp cận HLV và đưa ra tín hiệu cho hành vi thiếu tôn trọng. Khi TTC khởi động lại trận đấu (TSUZUKETE HAJIME) nếu HLV tiếp tục can thiệp, TTC sẽ dừng trận đấu, tiếp cận HLV một lần nữa và yêu cầu HLV rời khỏi khu vực thi đấu. TTC sẽ không tiếp tục trận đấu khi HLV chưa rời khỏi khu vực thi đấu. Điều này không được coi là một tình huống SHIKKAKU và việc trục xuất HLV chỉ dành cho trận đấu (bout/match) đang diễn ra.

XII. Phải thông báo công khai về hình phạt SHIKKAKU.

ĐIỀU 10: CHẤN THƯƠNG VÀ TAI NẠN TRONG THI ĐẤU

10.1. KIKEN hoặc xử thua là quyết định được đưa ra khi một VĐV hoặc các VĐV không có mặt khi được gọi tên, không thể tiếp tục thi đấu, bỏ cuộc hoặc bị dừng trận đấu theo hiệu lệnh của TTC. Lý do bỏ cuộc có thể là do chấn thương mà không thể đổ lỗi cho đối phương. Xử thua do KIKEN có nghĩa các VĐV sẽ bị loại ở nội dung đó nhưng nó không ảnh hưởng đến sự tham gia ở nội dung khác.

10.2. Nếu 2 VĐV gây chấn thương cho nhau hoặc là do bị chấn thương trước đó và bác sĩ của giải thông báo là không thể tiếp tục thi đấu thì trận đấu sẽ kết thúc bằng phần thắng thuộc về VĐV nào ghi điểm nhiều hơn. Ở giải cá nhân, nếu số điểm bằng nhau thì biểu quyết (HANTEI) của tổ trọng tài sẽ quyết định kết quả trận đấu, nếu không có một VĐV nào đạt SENSHU. Ở giải đồng đội, TTC sẽ thông báo tỉ số hòa (HIKIWAKE), nếu không có một VĐV nào đạt SENSHU. Một trận đấu thêm sẽ quyết định kết quả của trận đấu đội, và nếu xảy ra tình huống chấn thương như trên thì biểu quyết (HANTEI) của tổ trọng tài sẽ quyết định kết quả trận đấu, nếu không có một VĐV nào đạt SENSHU.

10.3. Một VĐV bị chấn thương được bác sĩ của giải thông báo là không đủ sức khỏe thi đấu thì sẽ không được thi đấu tiếp trong giải đó.

10.4. Một VĐV bị thương thắng bằng cách truất quyền thi đấu của đối thủ do chấn thương không được phép tái đấu nữa và chỉ được tiếp tục nếu có sự cho phép của bác sĩ giải đấu.

10.5. Khi VĐV bị chấn thương, ngay lập tức TTC dừng trận đấu và gọi bác sĩ. Bác sĩ chỉ có quyền chẩn đoán và chữa trị chấn thương.

10.6. VĐV bị chấn thương trong trận đấu, thời gian điều trị chấn thương được phép là 3 phút, nếu việc điều trị không xong trong thời gian cho phép, TTC sẽ quyết định VĐV đó có thể tiếp tục thi đấu hay không (theo Điều 13 mục 8d) hoặc là cho thêm thời gian để điều trị.

10.7. Bất cứ VĐV nào ngã, bị quật ngã hoặc bị đo ván không thể đứng thẳng dậy được trong vòng 10 giây thì bị coi là không đủ sức để tiếp tục thi đấu và đương nhiên sẽ bị buộc phải rút lui khỏi tất cả nội dung kumite của giải đó. Trong trường hợp VĐV bị ngã, bị quật ngã hoặc bị đo ván và không thể đứng thẳng lên được ngay lập tức, TTC sẽ gọi bác sĩ và cùng lúc đó miệng bắt đầu đếm từ 1 đến 10 bằng tiếng Anh kết hợp với các ngón tay của mình, mỗi ngón tay sẽ tính là 1 giây. Trong mọi trường hợp khi bắt đầu đếm 10 giây, bác sĩ sẽ được yêu cầu kiểm tra người thi đấu trước khi cuộc thi có thể tiếp tục. Đối với những tình huống thuộc điều luật 10 giây này, VĐV có thể được kiểm tra ngay trên sàn đấu.

Giải thích:

I. Khi bác sĩ thông báo VĐV không đủ sức khỏe để thi đấu thì phải viết ghi chú vào giấy sức khỏe của VĐV đó. Khoảng thời gian không thể thi đấu được vì sức khỏe cũng phải ghi rõ để báo cáo cho các tổ trọng tài khác.

II. VĐV có thể thắng cuộc do đối phương bị truất quyền thi đấu vì những lỗi vi phạm nhỏ loại 1 (C1) gộp lại. Và có lẽ người chiến thắng đã không bị thương tích đáng kể.

III. TTC gọi bác sĩ khi VĐV bị chấn thương và cần được chữa trị bằng cách giơ tay lên và gọi “doctor”(bác sĩ).

IV. Nếu sức khỏe cho phép, VĐV bị thương nên được đưa ra khỏi thảm đấu để khám và điều trị bởi bác sĩ.

V. Bác sĩ chỉ có trách nhiệm cho biết những gì cần làm đúng theo tính chất chuyên môn đối với chấn thương cụ thể của VĐV.

VI. Các TTP sẽ quyết định người chiến thắng trên cơ sở HANSOKU, KIKEN, hoặc SHIKKAKU tùy từng trường hợp.

VII. Trong các trận thi đấu đồng đội, nếu một VĐV của đội nhận KIKEN hoặc bị truất quyền thi đấu (HANSOKU hoặc SHIKKAKU) thì điểm số của đội cho trận đấu đó nếu có cũng đều tính bằng 0 và đối phương sẽ nhận 8 điểm.

ĐIỀU 11: KHIẾU NẠI

11.1. Không ai có thể phản đối lại phán quyết của các thành viên của tổ trọng tài.

11.2. Nếu việc trọng tài có gì vi phạm luật thì chỉ có HLV của VĐV đó hoặc người đại diện chính thức là người duy nhất được phép khiếu nại.

11.3. Khiếu nại phải được trình bày dưới dạng văn bản và phải trình ngay lập tức sau trận đấu (ngoại trừ duy nhất việc khiếu nại liên quan đến sai sót hành chính. Quản lý sàn sẽ phải lập tức nhận ra ngay những sai sót được phát hiện).

11.4. Đơn khiếu nại phải được trình lên đại diện của Hội đồng giải quyết khiếu nại. Họ sẽ xem xét lại hoàn cảnh dẫn đến quyết định khiếu nại. Sau khi xem xét những tình tiết có liên quan, họ sẽ lập báo cáo và được giao quyền giải quyết vấn đề này.

11.5. Nếu có bất kỳ khiếu nại nào về luật qua thông báo của HLV, việc này phải không chậm hơn 1 phút sau khi kết thúc trận đấu. HLV yêu cầu mẫu khiếu nại từ quản lý sàn và có 4 phút để hoàn thành ký và nộp cho quản lý sàn với lệ phí quy định. Quản lý sàn ngay lập tức giao đơn khiếu nại cho đại diện hội đồng giải quyết khiếu nại và sẽ có 5 phút để giải quyết đưa ra quyết định.

11.6. Đơn khiếu nại phải được nộp cùng với tiền lệ phí theo quy định của BCH WKF.

Số tiền và đơn khiếu nại gửi tới đại diện của Hội đồng giải quyết khiếu nại.

11.7. Các thành viên của Hội đồng giải quyết khiếu nại

Hội đồng giải quyết khiếu nại bao gồm 3 đại diện TTC cấp cao được chỉ định bởi HĐTT. Trong đó có 2 người không được cùng một liên đoàn quốc gia. HĐTT cũng nên chỉ định thêm 3 thành viên khác và đánh số từ 1 đến 3. Họ sẽ tự động thay thế trong bất kỳ trường hợp mà các thành viên trong Hội đồng giải quyết khiếu nại được chỉ định ban đầu có thể dẫn đến xung đột về lợi ích như các thành viên trong Hội đồng giải quyết khiếu nại có cùng quốc tịch, cùng quan hệ huyết thống hoặc quan hệ hôn nhân với bất kỳ bên nào liên quan đến vụ việc bị khiếu nại, bao gồm tất cả các thành viên của tổ trọng tài liên quan đến vụ việc bị khiếu nại.

11.8. Quy trình giải quyết khiếu nại

Trách nhiệm của bên nhận khiếu nại là triệu tập Hội đồng giải quyết khiếu nại và gửi số tiền phản đối tới Thủ quỹ. Sau khi được triệu tập, Hội đồng giải quyết khiếu nại sẽ ngay lập tức đưa ra các yêu cầu và điều tra theo họ thấy là cần thiết để xác định xem có chấp nhận đơn khiếu nại hay không. Mỗi người trong ba thành viên có nghĩa vụ đưa ra phán quyết của mình về tính đúng đắn của đơn khiếu nại. Sự vắng mặt là không được chấp nhận.

11.9. Từ chối khiếu nại

Nếu khiếu nại là không hợp lệ, Hội đồng giải quyết khiếu nại sẽ chỉ định một thành viên của mình thông báo bằng miệng tới người khiếu nại rằng khiếu nại đã bị từ chối, đánh dấu văn bản gốc bằng từ “TỪ CHỐI”, và phải có chữ ký của mỗi thành viên trong Hội đồng giải quyết khiếu nại, trước khi gửi đơn khiếu nại tới Thủ quỹ, người sẽ chuyển nó cho quản lý sàn.

11.10. Chấp nhận khiếu nại

Nếu khiếu nại là hợp lệ, Hội đồng giải quyết khiếu nại sẽ liên hệ với ban tổ chức (BTC)

và HĐTT để có những biện pháp thực tế để khắc phục tình huống, khả năng bao gồm:

– Đảo ngược các phán quyết trước đó vi phạm luật.

– Hủy bỏ kết quả các trận đấu bị ảnh hưởng từ thời điểm trước đó tới thời điểm phán xét.

– Tiến hành lại các trận đấu bị ảnh hưởng bởi phán xét.

– Ban hành một đề nghị tới HĐTT mà TTC có liên quan để xác nhận sự đồng thuận.

Trách nhiệm còn lại của Hội đồng giải quyết khiếu nại là thực hiện những hành động thận trọng và đúng đắn dù nó sẽ làm gián đoạn chương trình của sự kiện bằng bất cứ giá nào. Đảo ngược quá trình loại bỏ là một lựa chọn cuối cùng để đảm bảo một kết quả công bằng.

Hội đồng giải quyết khiếu nại sẽ chỉ định một thành viên của mình thông báo bằng miệng tới người khiếu nại rằng khiếu nại đã được chấp nhận, đánh dấu văn bản gốc bằng từ “CHẤP NHẬN”, và phải có chữ ký của mỗi thành viên trong Hội đồng giải quyết khiếu nại, trước khi gửi đơn khiếu nại tới Thủ quỹ, người sẽ trả lại lệ phí cho người khiếu nại và chuyển đơn khiếu nại cho quản lý sàn.

11.11. Báo cáo sự cố

Sau khi xử lý vụ việc theo cách thức được quy định trên, Hội đồng giải quyết khiếu nại sẽ triệu tập lại và soạn thảo một bản báo cáo sự cố phản đối đơn giản, mô tả các phát hiện của họ và nêu rõ lý do để chấp nhận hoặc từ chối đơn khiếu nại. Bản báo cáo phải được ký bởi cả ba thành viên của Hội đồng giải quyết khiếu nại và đệ trình lên Tổng Thư ký.

11.12. Quyền hạn và giới hạn

Quyết định của Hội đồng giải quyết khiếu nại là quyết định cuối cùng, và chỉ có thể bị bác bỏ bởi quyết định của Ban chấp hành. Hội đồng giải quyết khiếu nại không được áp dụng các biện pháp trừng phạt hoặc hình phạt. Chức năng của họ là đưa ra phán quyết về đơn khiếu nại và thực hiện các hành động cần thiết từ HĐTT và BTC để khắc phục và sửa chữa bất kỳ các quy trình phán quyết của trọng tài được cho là trái luật.

11.13. Điều khoản đặc biệt để xem lại video.
CHÚ Ý: Điều khoản đặc biệt này được hiểu là tách biệt và độc lập với các điều khoản khác của Điều 11 này, và các giải thích khác có liên quan.
Tại giải vô địch cấp cao WKF, thế vận hội Olympic, giải trẻ thế giới, giải châu lục và giải đấu đa môn thể thao, việc sử dụng xem lại video trận đấu là theo yêu cầu. Sử dụng video xem lại cũng được đề nghị cho các cuộc thi khác nếu có thể. Quy trình xem video đính kèm trong PHỤ LỤC 11.

Giải thích:

I. Đơn khiếu nại cần nêu rõ tên của các VĐV, tổ trọng tài điều hành và các chi tiết chính xác có liên quan đến việc khiếu nại. Khiếu nại được trình bày chung chung sẽ không được chấp thuận là khiếu nại hợp lệ. Chi tiết sự việc chứng minh cho giá trị lời khiếu nại phải được nêu ra cùng với đơn khiếu nại.

II. Hội đồng giải quyết khiếu nại sẽ xem xét việc khiếu nại và chứng cứ nêu trong đơn khiếu nại. Hội đồng giải quyết khiếu nại có thể nghiên cứu cả băng video và đặt câu hỏi cho những người có liên quan, nhằm hỗ trợ cho việc kiểm tra một cách khách quan giá trị của khiếu nại.

III. Nếu Hội đồng giải quyết khiếu nại cho việc khiếu nại là đúng thì những biện pháp thích đáng sẽ được áp dụng nhằm tránh sự việc tiếp tục tái diễn ở các trận đấu tiếp theo. Số tiền lệ phí khiếu nại sẽ do thủ quỹ hoàn lại.

IV. Nếu Hội đồng giải quyết khiếu nại cho rằng khiếu nại là không có giá trị, nó sẽ bị bác bỏ và tiền lệ phí sẽ không được hoàn lại và nộp cho WKF.

V. Để các trận đấu diễn ra sau đó không bị trì hoãn, cho dù là có sự chuẩn bị một khiếu nại chính thức. Trách nhiệm của Trọng tài giám sát là phải đảm bảo cho trận đấu (bout/match) diễn ra theo đúng Luật thi đấu.

VI. Trong những trường hợp có sơ suất về mặt hành chính ở trận đấu đang diễn ra, HLV có thể thông báo trực tiếp với quản lý sàn. Cuối cùng, quản lý sàn sẽ thông báo cho TTC.

ĐIỀU 12: QUYỀN HẠN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC ĐẠI DIỆN

Hội đồng Trọng tài

HĐTT sẽ có quyền hạn và trách nhiệm như sau:

1. Cùng với Ban tổ chức bảo đảm công tác chuẩn bị cho mỗi giải thi đấu là tối ưu như bố trí khu vực thi đấu, cung cấp và triển khai các thiết bị, các phương tiện cần thiết và giám sát diễn biến các trận đấu (bout/match), đảm bảo an toàn…vv.

2. Chỉ định và phân công các quản lý sàn (Trưởng ban trọng tài/ trưởng sàn) và các phụ tá quản lý sàn vào các vị trí để thực thi nhiệm vụ đồng thời cũng thực hiện các hành động theo như yêu cầu của quản lý sàn.

3. Giám sát và phối hợp chuyên môn với các trọng tài.

4. Chỉ định các trọng tài thay thế khi cần thiết.

5. Thông qua phán quyết cuối cùng trong trường hợp có một kỹ thuật xảy ra trong trận đấu (bout/match) mà không có trong quy định của luật.

Các quản lý sàn và các phụ tá quản lý sàn

Có quyền hạn và trách nhiệm như sau:

1. Tham gia, chỉ định, theo dõi các trọng tài chính và trọng tài phụ trong tất cả các trận đấu (bout/match) ở sàn đó.

2. Quan sát việc điều hành trận đấu của TTC, TTP ở trên sàn đấu và đảm bảo rằng các trọng tài được phân công là có khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

3. Ra lệnh cho TTC dừng trận đấu khi TTGS (Kansa) ra hiệu việc vi phạm luật.

4. Chuẩn bị văn bản, bản báo cáo hàng ngày về việc điều hành trận đấu của từng trọng tài tại sàn của mình và thêm ý kiến nhận xét nếu cần cho HĐTT.

5. Chỉ định 2 TTC đạt chứng nhận A của WKF (WKF Referee A) xem video (VRS).

Giám sát các huấn luyện viên

Nhiệm vụ của giám sát HLV được mô tả ở PHỤ LỤC 11 – XEM LẠI VIDEO

Các trọng tài chính có quyền hạn như sau:

1. TTC (“Shushin”) có quyền điều khiển các trận đấu (bout/match) gồm việc công bố bắt đầu, tạm ngừng và kết thúc trận đấu (bout/match).

2. Cho điểm dựa trên quyết định của các TTP.

3. Dừng trận đấu khi thấy dấu hiệu chấn thương, bị bệnh hoặc không có khả năng tiếp tục thi đấu của VĐV.

4. Dừng trận đấu theo quan điểm của TTC về việc phạm lỗi hay bảo đảm sự an toàn cho VĐV.

5. Dừng trận đấu khi 2 hoặc nhiều hơn các TTP biểu quyết cho điểm hoặc JOGAI.

6. Để chỉ ra các lỗi đã quan sát được (bao gồm cả Jogai), do đó yêu cầu sự đồng ý của các TTP.

7. Yêu cầu các TTP xem xét lại ý kiến của họ trong những trường hợp mà theo quan điểm của TTC, là cơ sở cho việc phán quyết lại của TTP về nhắc nhở hay hình phạt.

8. Triệu tập các TTP để hội ý (SHUGO) về hình phạt SHIKKAKU.

9. Giải thích cho Quản lý sàn, HĐTT, Hội đồng giải quyết khiếu nại nếu cần thiết về cơ sở của việc phán quyết.

10. Thực hiện nhắc nhở hay hình phạt dựa trên ý kiến của các TTP.

11. Thông báo và bắt đầu hiệp phụ khi cần thiết trong nội dung thi đấu đồng đội.

12. Tiến hành biểu quyết các ý kiến của TTP bao gồm cả ý kiến của TTC (HANTEI) và công bố quyết định.

13. Giải quyết tranh chấp.

14. Công bố người thắng cuộc.

15. TTC không chỉ giới hạn thẩm quyền trong phạm vi sàn đấu mà còn ngay ngoài phạm vi của thảm bao gồm việc kiểm soát hành vi của các huấn luyện viên, VĐV, hoặc bất kỳ thành viên nào của các đoàn VĐV tham gia hiện diện trên sàn đấu.

16. TTC là người đưa ra tất cả các hiệu lệnh và khẩu lệnh.

Các trọng tài phụ (Fukushin) có quyền hạn như sau:

1. Ra tín hiệu cho điểm hoặc JOGAI trên quan điểm của TTP.

2. Ra tín hiệu cho sự đánh giá của mình về nhắc nhở hay hình phạt mà TTC đưa ra.

3. Thực hiện quyền biểu quyết khi phải phán quyết.

Trọng tài phụ phải thận trọng quan sát các hành động của VĐV và ra hiệu cho TTC trong các trường hợp sau:

a. Khi nhận thấy có đòn ghi điểm.

b. Khi 1 VĐV di chuyển ra ngoài khu vực thi đấu (Jogai).

c. Khi được TTC yêu cầu biểu quyết để thông qua quyết định về các lỗi khác.

Các trọng tài giám sát (Kansa)

Trọng tài giám sát (KANSA) sẽ hỗ trợ cho Quản lý sàn bằng việc quan sát vòng đấu hay trận đấu đang diễn ra. Nếu quyết định của TTC hoặc TTP không phù hợp với Luật thi đấu, Trọng tài giám sát ngay lập tức sẽ giơ cờ đỏ và thổi còi. Quản lý sàn sẽ yêu cầu TTC dừng trận đấu (bout/match) và sửa chữa sai sót.

Biên bản kết quả của trận đấu phải được ký duyệt bởi Trọng tài giám sát.

Trước khi bắt đầu mỗi trận đấu đồng đội hay trận đấu cá nhân trọng tài giám sát phải đảm bảo rằng trang bị thi đấu của VĐV và võ phục phù hợp với luật thi đấu của WKF. Ngay cả khi ban tổ chức đã kiểm tra trước đó thì Kansa vẫn có trách nhiệm để đảm bảo rằng trang bị phù hợp với quy tắc thi đấu. Giám sát trận đấu sẽ không luân phiên trong trận đấu đồng đội.

Hướng dẫnTrong các tình huống sau Kansa sẽ giơ cờ đỏ và thổi còi: · TTC quên không cho SENSHU.· TTC quên chưa hủy SENSHU.· TTC cho điểm sai VĐV.· TTC ra nhắc nhở/hình phạt sai VĐV.· TTC cho điểm VĐV và lỗi cường điệu C2  cho VĐV kia.· TTC cho điểm VĐV và Mubobi cho VĐV kia. · TTC cho điểm khi kỹ thuật ghi điểm sau Yame hoặc sau hết giờ.· TTC cho điểm VĐV khi họ đã ở ngoài thảm đấu.· TTC ra nhắc nhở/hình phạt đối với lỗi thụ động trong Ato Shibaraku.· TTC ra nhắc nhở/hình phạt C2 nhầm cho VĐV trong Ato Shibaraku.· TTC không dừng trận đấu khi có 2 hoặc nhiều hơn cờ cho điểm hoặc Jogai cùng một VĐV. · TTC không dừng trận đấu khi có yêu cầu xem lại video từ phía  HLV.· TTC không theo ý kiến của đa số.· TTC không gọi bác sỹ trong tình huống luật 10 giây.· TTC cho Hantei/Hikiwake nhưng đã có VĐV đạt SENSHU.· TTP cầm cờ sai tay.· Bảng điểm sai, không đúng thông tin.· Các kỹ thuật thực hiện đúng theo HLV sau Yame hoặc hết giờ.
Trong các tình huống sau Kansa không tham gia vào quyết định của tổ trọng tài:· TTP không giơ cờ cho điểm.· TTP không cho cờ Jogai.· TTP không ủng hộ trọng tài chính khi yêu cầu cho nhắc nhở/hình phạt C1 hoặc C2.· Mức độ va chạm lỗi C1.· Mức độ lỗi C2.· Kansa không có quyền biểu quyết hoặc thẩm quyền trong vấn đề phán quyết về điểm số.· Kể cả trong trận đấu trọng tài chính không nghe hết giờ thì TT giám sát điểm sẽ thổi còi báo chứ không phải là Kansa.

Giải thích:

I. Khi 2 hoặc nhiều hơn các TTP cùng cho điểm hoặc JOGAI chỉ 1 VĐV thì TTC sẽ phải dừng trận đấu và đưa ra quyết định phù hợp. Nếu TTC không dừng trận đấu thì Kansa sẽ giơ cờ đỏ và thổi còi. Khi TTC quyết định dừng trận đấu vì bất kỳ lý do nào khác ngoài tín hiệu của hai hoặc nhiều hơn các TTP, TTC sẽ hô “YAME” cùng một lúc bằng tín hiệu tay. Sau đó các TTP sẽ đưa ra ý kiến của họ và TTC sẽ đưa ra quyết định có sự đồng ý giữa hai hoặc nhiều hơn các TTP.

II. Trong trường hợp cả hai VĐV có điểm, nhắc nhở hoặc hình phạt do hai hoặc nhiều TTP chỉ định, cả hai VĐV sẽ được cho điểm, nhắc nhở hoặc hình phạt.

III. Nếu một VĐV có điểm, nhắc nhở hoặc hình phạt do nhiều hơn 1 TTP đưa ra và điểm số hoặc mức phạt khác nhau giữa các TTP; điểm, nhắc nhở hoặc hình phạt thấp hơn sẽ được áp dụng nếu không có ý kiến đa số cho một mức độ điểm số, nhắc nhở hoặc hình phạt.

IV. Nếu có đa số, nhưng không đồng ý, giữa các TTP về một mức độ điểm, nhắc nhở hoặc hình phạt, quan điểm đa số sẽ xóa bỏ nguyên tắc áp dụng điểm số, nhắc nhở hoặc hình phạt thấp nhất.

V. Khi hội ý (Hantei), ý kiến biểu quyết của TTC và mỗi TTP là có giá trị ngang nhau.

VI. Vai trò của Kansa là phải khẳng định chắc chắn rằng trận đấu (bout/match) được diễn ra đúng theo luật thi đấu. Kansa ngồi đó không phải là việc thêm một TTP. Kansa không được biểu quyết và cũng không có quyền gì trong việc phán quyết ví như việc tính điểm hay không, hay là Jogai. Trách nhiệm duy nhất của Kansa là theo dõi sự phán quyết có tuân thủ theo luật hay không. TTGS không thay đổi trong suốt vòng thi đấu đồng đội.

VII. Trong trường hợp TTC không nghe thấy tiếng chuông báo hết giờ, TT giám sát điểm sẽ thổi còi báo.

VIII. Khi cần giải thích những điều cơ bản về một phán quyết sau trận đấu (bout/match) thì TTP có thể nói với Quản lý sàn, HĐTT hoặc Hội đồng giải quyết khiếu nại, còn lại không cần thiết giải thích cho bất cứ người nào khác.

IX. Một TTC có thể, chỉ dựa trên phán đoán của mình, yêu cầu rời khỏi sàn thi đấu bất kỳ HLV nào có hành vi không đúng đắn, hoặc theo ý kiến của TTC có hành vi làm ảnh hưởng đến trật tự và việc điều hành của trận đấu cho đến khi huấn luyện viên tuân thủ. Thẩm quyền của TTC cũng được mở rộng đến bất kỳ thành viên nào của đoàn VĐV tham gia hiện diện trên sàn đấu.

ĐIỀU 13: BẮT ĐẦU, TẠM NGỪNG VÀ KẾT THÚC TRẬN ĐẤU

13.1. Các thuật ngữ và động tác được TTC và TTP sử dụng trong khi điều hành trận đấu (bout/match) sẽ được quy định trọng phụ lục 1 và 2.

13.2. Các Trọng tài vào các vị trí xác định của mình. Sau khi 2 VĐV chào nhau, TTC sẽ hô “SHOBU HAJIME”, trận đấu bắt đầu.

13.3. TTC sẽ cho dừng trận đấu bằng việc hô “YAME” đồng thời sẽ ra lệnh cho VĐV trở về vị trí ban đầu (MOTO NO ICHI) nếu thấy cần.

13.4. TTC trở về vị trí ban đầu và các TTP sẽ đưa ra ý kiến của mình bằng các tín hiệu. Trong trường hợp điểm được tính TTC sẽ phải nêu rõ VĐV (AKA hoặc AO), vùng tấn công rồi sau đó mới công bố điểm được tính cho đòn đánh đó cùng với động tác tương ứng. TTC sẽ khởi động lại trận đấu bằng lệnh “TSUZUKETE HAJIME”.

13.5. Trong trận đấu khi một VĐV dẫn trước 8 điểm, TTC hô “YAME”, yêu cầu 2 VĐV trở về vị trí ban đầu đồng thời TTC cũng trở về vị trí của mình. TTC sẽ công bố người thắng cuộc bằng cách giơ tay lên về phía VĐV chiến thắng và hô “AO (AKA) NOKACHI”. Trận đấu kết thúc.

13.6. Khi hết giờ, VĐV có số điểm nhiều hơn sẽ được tuyên bố là người thắng cuộc, TTC sẽ giơ tay về phía người thắng cuộc và hô “AO (AKA) NOKACHI”. Trận đấu kết thúc.

13.7. Trong trường hợp hết hiệp phụ vẫn không phân định thắng bại thì HĐTT (TTC và 4 TTP) sẽ quyết định kết quả trận đấu bằng HANTEI.

13.8. Khi gặp tình huống sau, TTC sẽ hô “YAME” để tạm dừng trận đấu:

a. Khi 1 VĐV hoặc cả 2 VĐV ở ngoài thảm đấu.

b. Khi TTC yêu cầu VĐV chỉnh trang lại võ phục hoặc trang bị bảo vệ.

c. Khi VĐV vi phạm luật.

d. Khi TTC xét thấy 1 hoặc cả 2 VĐV không thể tiếp tục trận đấu vì chấn thương, đuối sức hoặc do các lý do khác. Theo ý kiến bác sĩ của giải, TTC sẽ quyết định trận đấu nên tiếp tục hay không.

e. Khi VĐV tóm đối phương mà không thực hiện đòn đánh ngay lập tức hoặc đòn quật.

f. Khi 1 hoặc cả 2 VĐV ngã hay bị quật ngã mà không có VĐV nào cố gắng ngay lập tức thực hiện một kỹ thuật ghi điểm.

g. Khi 2 VĐV tóm hoặc ôm ghì lấy nhau mà không thực hiện thành công đòn quật hay bất kỳ kỹ thuật ghi điểm nào.

h. Khi 2 VĐV áp sát nhau (đẩy ngực) mà không thực hiện đòn quật hay bất kỳ kỹ thuật nào khác.

i. Khi cả 2 VĐV mắc chân nhau do bị ngã hoặc cố quật rồi bắt đầu vật nhau.

j. Khi có điểm ghi hoặc JOGAI do 2 hoặc nhiều hơn các TTP đưa ra cho cùng 1 VĐV.

k. Trong trường hợp theo ý kiến của TTC, đã có phạm lỗi – hoặc tình huống yêu cầu dừng trận đấu vì lý do an toàn.

l. Khi Quản lý sàn yêu cầu.

Giải thích:

I. Khi bắt đầu một trận đấu, trước tiên TTC gọi các VĐV vào vị trí qui định ban đầu. Nếu VĐV bước vào thảm quá vội vã sẽ được nhắc nhở đi chậm lại. Các VĐV phải cúi đầu chào nhau cho đúng, một cái gật đầu vội vã sẽ là thiếu lễ độ và không đúng yêu cầu. TTC có thể ra lệnh chào nhau nếu không VĐV nào tự động bằng cách ra hiệu bằng tay như trong Phụ lục 2 của Luật.

II. Khi khởi động lại trận đấu, TTC phải để ý xem 2 VĐV có đứng đúng vị trí quy định và chuẩn bị thi đấu không. Các VĐV cứ nhún nhảy hoặc không đứng yên được phải được nhắc nhở trước khi trận đấu có thể diễn ra. TTC phải cho khởi động trận đấu ngay không được chậm trễ. Hai VĐV phải chào nhau khi bắt đầu và kết thúc trận đấu.

LUẬT THI ĐẤU KATA